KHPTO - Hiện nay, nhiều huyện ngoại thành của các thành phố lớn, ngoài việc tập trung vào phát triển du lịch sinh thái thì lĩnh vực nông nghiệp cũng được phát triển theo mô hình sinh thái, hướng về môi trường và phát triển bền vững.
Trong đó, một số mô hình chăn nuôi theo hướng sinh thái đã được nông hộ tại địa phương ứng dụng và bước đầu mang lại những kết quả khả quan.
Hộ chăn nuôi theo hướng sinh thái được hiểu là những nông hộ chăn nuôi có các đặc điểm: có ứng dụng toàn bộ hay một phần của mô hình V-A-C (vườn - ao - chuồng); có ứng dụng toàn bộ hoặc một phần kỹ thuật chăn nuôi sinh thái.
Trong khi đó, chăn nuôi truyền thống có đặc điểm là hoạt động theo tập quán và thói quen, không áp dụng các kỹ thuật của tiến bộ khoa học như: không chú trọng xử lý chất thải trong chăn nuôi, chỉ sử dụng thức ăn chăn nuôi tổng hợp mà không sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên (rau xanh, bã hèm...).
Hình thức chăn nuôi của nông hộ ở các huyện ngoại thành của các thành phố lớn đa số là chăn nuôi gia súc (heo), gia cầm (gà, vịt).
Riêng đối với hộ chăn nuôi theo hướng sinh thái, có không ít hộ ứng dụng một phần mô hình V-A-C, cụ thể: mô hình V-A kết hợp chăn nuôi gia súc với nuôi cá hoặc sử dụng phế phẩm chăn nuôi gia súc để làm phân bón trong trồng trọt (mô hình C-V).
Nông hộ chăn nuôi theo hình thức sinh thái chú trọng hơn các yếu tố về môi trường, hướng đến quy luật chăn nuôi tự nhiên như: cho ăn thức ăn xanh, cho uống nước sạch, tái sử dụng phế phẩm để trồng trọt hoặc nuôi cá nhằm bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, họ cũng chú trọng đến các yếu tố về kỹ thuật trong chăn nuôi để đàn gia súc, gia cầm có được sự sinh trưởng và phát triển tốt.
Chi phí chăn nuôi có sự chênh lệch giữa hộ nuôi theo truyền thống và hộ nuôi theo hướng sinh thái. Sự chênh lệch trên được lý giải là do sự khác biệt về diện tích, quy mô.
Bên cạnh đó, những nông hộ chăn nuôi heo có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, đồng thời sản xuất theo phương pháp nông nghiệp sinh thái có xu hướng chăn nuôi theo quy luật tự nhiên nên chi phí lao động gia đình được giảm thiểu nhiều hơn. Do đó, nhóm hộ này thường có chi phí thấp hơn.
Đối với chăn nuôi gà và vịt, do chi phí con giống và thức ăn phải đảm bảo chất lượng nên tổng chi phí đầu tư của nông hộ chăn nuôi theo hướng sinh thái cao hơn so với nhóm hộ nuôi theo hình thức truyền thống.
Theo các nghiên cứu khoa học, doanh thu và lợi nhuận đạt được của nông hộ chăn nuôi theo hình thức sinh thái cao hơn hộ chăn nuôi theo truyền thống. Mặc dù, có những khoản chi phí, nông hộ chăn nuôi theo hình thức sinh thái phải đầu tư lớn hơn, tuy nhiên chất lượng đàn vật nuôi từ chăn nuôi sinh thái giúp nông hộ bán sản phẩm với giá cao hơn. Đồng thời, các sản phẩm phụ trong chăn nuôi cũng góp phần mang lại nguồn doanh thu không nhỏ cho nông hộ.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ và phòng tài chính - kế hoạch huyện Phong Điền, Cần Thơ, về doanh thu/chi phí: số liệu cho thấy cả 2 nhóm nông hộ chăn nuôi theo hình thức sinh thái và hình thức truyền thống đều đạt tỷ suất doanh thu/chi phí lớn hơn 1, tức là có hiệu quả. Tuy nhiên, hộ chăn nuôi theo hình thức sinh thái có tỷ số này cao hơn, nghĩa là đạt hiệu quả tốt hơn.
Về lợi nhuận/chi phí: thực tế nghiên cứu cho thấy, tỷ số lợi nhuận/ chi phí của nông hộ chăn nuôi theo hình thức sinh thái cao hơn nhóm nông hộ chăn nuôi theo hình thức truyền thống.
Với một đồng chi phí đầu tư như nhau, nông hộ chăn nuôi theo hình thức sinh thái có thể tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Lợi ích này đạt được là nhờ sự khác biệt về chất lượng sản phẩm chăn nuôi và việc tận dụng các phế phẩm trong các hình thức chăn nuôi kết hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.